Trồng cây chanh dây

Các bệnh thường gặp của chanh dây

Bài viết này sẽ tổng hợp thông tin về các bệnh thường gặp của chanh dây (còn gọi là chanh leo, lạc tiên, mác mác hoặc mát mát tùy theo địa phương). Kèm theo hình ảnh minh họa, dấu hiệu nhận biết, triệu chứng bệnh và cách phòng trừ bệnh tương ứng.

BỆNH DO VIRUS TRÊN CÂY CHANH DÂY

Đây là một trong các bệnh thường gặp của chanh dây mà các nông dân không thể không quan tâmCác bệnh do virus gây ra trên cây chanh dây rất nhiều (trên 16 loại) tuy nhiên phổ biến và gây hại nặng nề nhất phải kể đến 3 loại bệnh sau

Bệnh cứng trái trên cây chanh dây (bệnh phấn trắng)

Bệnh cứng trái trên cây chanh dây

Triệu chứng: Quả phát triển không bình thường, dị dạng, trên vỏ xuất hiện những nốt u to nhỏ làm cho vỏ quả sần sùi, màu sắc không đồng nhất, cứng lại và ngừng phát triển. Các cây bị virus cứng trái còn xuất hiện triệu trứng lá quăn lại, nhăn nheo nhỏ hơn bình thường, chóp lá vàng, cuống lá lốm đốm, trong khi đó phần thân lại phình to ra

Tác nhân gây bệnh: Do virus Passion Fruit Woodiness (viết tắt là PWV) gây ra

Phương thức lây truyền: Lây từ cây này qua cây khác thông qua việc dùng chung các loại nông cụ (dao, kéo cắt cành, cuốc, xẻng…)
Nhiễm bệnh từ giai đoạn cây con do ươm trồng, cấy ghép không đảm bảo sạch bệnh

Do các loại côn trùng chích hút nhựa cây (rệp, rầy, ruồi vàng…), mang mầm bệnh từ cây này sang cây khác

Biện pháp quản lý và phòng trừ: Sử dụng cây giống chanh dây sạch bệnh, có xuất xứ rõ ràng, được cung cấp bởi các cơ sở sản xuất giống cây trồng uy tín.

Giai đoạn cây con nên ươm trồng trong nhà lưới, nhà kính, hạn chế tối đa sự xâm nhập của côn trùng

Vệ sinh khử trùng bằng xà phòng hoặc Na2PO4 (3%) các nông cụ trước và sau khi sử dụng. Tốt nhất nên dùng bộ nông cụ riêng cho cây bệnh và cây khỏe mạnh

Phun định kỳ các loại thuốc trừ sâu lưu dẫn Confidor, Admire… theo liều lượng in trên bao bì sản phẩm

Sử dụng các loại bẫy côn trùng, giấy bạc phản chiếu ánh sáng để xua đuổi côn trùng

Vệ sinh vườn tược thông thoáng, cắt bỏ các phần bị bệnh trên cây, mang đi tiêu hủy. Sau đó phun các loại thuốc có gốc đồng (nano đồng), gốc bạc (nano bạc), thuốc đặc trị virus như Aliette.

Bón phân cân đối và hợp lý. Ưu tiên sử dụng phân bón có nguồn gốc hữu cơ. Trong mùa khô cần cung cấp đủ nước cho cây.

Hạn chế trồng xen với các loại cây là vật chủ của rầy mềm như ớt, cà tím, khoai tây, thuốc lá, dưa chuột

Bệnh xoăn lá do virus trên cây chanh dây

Bệnh xoăn lá do virus trên cây chanh dây

Triệu chứng: Lá bị biến dạng, quăn queo rất nặng, kích thước lá nhỏ hơn bình thường, mép lá quăn vào trong, sẫm màu, dầy hơn và rất giòn. Cuống lá, lóng thân trở nên ngắn lại

Tác nhân gây bệnh: Do virus Papaya leaf curl (PLCV) hoặc Euphorbia Leaf Curl gây ra

Phương thức lây truyền: Bệnh lây lan thông qua trung gian là rầy phấn trắng (white fly) Bemisia tabacii.

Biện pháp quản lý và phòng trừ: Sử dụng cây giống sạch bệnh, có nguồn gốc rõ ràng.

Khi cây đã nhiễm bệnh, cần nhổ bỏ mang đi tiêu hủy

Sử dụng các loại bẫy côn trùng, bẫy rầy treo xen kẽ trong vườn
Phun định kỳ các loại thuốc trừ sâu nhóm Monocrotophos, Imidachlorid

Giai đượm ươm trồng, cấy ghép cần có được thực hiện trong nhà lưới, nhà kính hạn chế côn trùng xâm nhập

Không trồng xen với các ký chủ của rầy trắng như thuốc lá, cà chua, các loại cây họ bầu bí

Thường xuyên vệ sinh vườn tược thông thoáng, làm cỏ sạch sẽ.
Bón phân cân đối, cung cấp đủ nước trong mùa khô để cây sinh trưởng mạnh tăng sức đề kháng

BỆNH DO VI KHUẨN TRÊN CÂY CHANH DÂY

Bệnh đốm dầu do vi khuẩn Pseudomonas passiflorae

Bệnh đốm dầu do vi khuẩn Pseudomonas passiflorae

Triệu chứng bệnh: Bệnh gây hại trên lá, thân và quả gây ảnh hưởng đến năng suất, thậm chí chết cây nếu không xử lý kịp thời.

Trên lá bệnh xuất hiện các vết thương màu ô-liu tới màu nâu, bao quanh bởi vầng sáng màu vàng nhạt. Khi bệnh nặng sẽ dẫn đến rụng lá

Trên thân non bệnh xuất hiện các vết lõm màu xanh đen, mọng nước, sau đó phát triển thành màu nâu sáng, có viền rõ ràng với phần không bị bệnh

Trên thân già triệu chứng ban đầu là các nhỏ hình tròn màu xanh đậm, sau chuyển dần thành màu nâu sẫm, hơi lõm xuống. Bệnh dần lây lan đến các chồi non làm rụng chồi, chết cây

Trên trái, bệnh làm xuất hiện các đốm tròn nhỏ, thô nhám, mảng lốm đốm mọng nước. Trái thường nhỏ, màu xanh tối, khi bệnh trở nặng sẽ làm thối trái, rụng non

Bệnh thường xuất hiện vào cuối mùa mưa và trong suốt mùa khô

Biện pháp quản lý và phòng trừ bệnh: Sau mỗi vụ thu hoạch, thu gom tàn dư của cây, tiêu hủy sạch sẽ để hạn chế mầm bệnh còn sót lại ảnh hưởng đến vụ sau

Luôn vệ sinh vườn tược sạch sẽ, trồng cây với mật độ vừa phải (3m x 3m), không trồng quá dày

Sử dụng chế phẩm sinh học Bio-Gavi hoặc sản phẩm tương đương để ngăn chặn sự phát triển của các loại vi khuẩn

Thường xuyên kiểm tra vườn, nếu thấy cây nào có dấu hiệu bệnh cần nhanh chóng nhổ bỏ, tập trung tiêu hủy ngay

Có thể kết hợp các biện pháp hóa học bằng cách phun các loại thuốc chứa các hoạt chất: Copper hydroxide, Copper Oxychloride +Kasugamycin, Copper Oxychloride 50% + Metalaxyl 8%, Ningnanmycin. Khi xuất hiện dấu hiệu bệnh

Bệnh héo rũ vi khuẩn Pseudomonas syringae

Bệnh héo rũ vi khuẩn Pseudomonas syringae

Đây là bệnh thường gặp của chanh dây mà khi cây mắc bệnh đem lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho cây chanh dây.

Triệu chứng bệnh: Có triệu chứng tương tự như bệnh đốm dầu, thường xuất hiện cùng hoặc sau khi cây bị đốm dầu.

Biện pháp quản lý và phòng trừ bệnh: Tương tự như bệnh đốm dầu

BỆNH HẠI DO NẤM TRÊN CÂY CHANH DÂY

Bệnh đốm nâu do nấm Alternaria passiflorae

Bệnh đốm nâu do nấm Alternaria passiflorae

Triệu chứng bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân và đầu mùa hè. Khi cây gặp những cơn mưa đầu mùa và ra lá non.

+ Trên lá: Ban đầu xuất hiện những đốm nhỏ màu nâu, sau đó lan rộng thành đốm lớn hơn, hình dạng không cố định, tâm màu sáng.

+ Trên thân: Bệnh biểu hiện bằng những vệt thon dài màu nâu đen, vị trí gần nách lá hoặc gần gân lá. Một thời gian sau vết bệnh sẽ lan dần ra và bao quanh thân cây, phần ngọn bên trên sẽ bị héo, và chết dần

+ Trên quả: Ban đầu xuất hiện những chấm rất nhỏ như đầu mũi kim, sau lớn dần thành những đốm tròn lõm ở giữa và có tâm màu nâu. Vỏ quả dần dần nhăn nheo, teo nhỏ rồi rụng

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Alternaria passiflorae gây ra

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên kiểm tra, cắt bỏ những cành bệnh, lá bệnh, cành còi cọc kém hiệu quả. Vừa làm giảm sự lây lan của bệnh vừa tạo sự thông thoáng giúp cây phát triển tốt hơn

Phun phòng hoặc phun khi cây chớm bệnh bằng các loại thuốc chứa hoạt chất Azoxystrobin (Amistar 250SC); hoặc hỗn hợp thuốc Mancozeb + Metalaxyl-M (Ridomil Gold 68WP); Difenoconazole (Score 250EC); Chlorothalonil (Daconil 500SC); hoặc Thiophanate – Methyl (Topsin M 70WP)

Bệnh đốm xám do nấm Septoria passiflorae

Bệnh đốm xám do nấm Septoria passiflorae

Triệu chứng bệnh: Bệnh thường xuất hiện vào mùa hè và mùa thu. Khi thời tiết mưa nhiều. Bệnh có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, thậm chí chết cây, và lan rộng nhanh chóng nếu không kịp thời xử lý

+ Trên lá: Ban đầu là những đốm nhỏ màu nâu sáng sau đó lan rộng ra dẫn đến rụng lá

+ Trên thân: Vết bệnh xuất hiện như trên lá, sau lan rộng thì lõm sâu vào thân, gây chết rũ phần bên trên

+ Trên quả: Cũng từ những đốm nhỏ như trên lá và thân, sau lan rộng thành những đốm tròn, phần ở giữa khô, sáng màu

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Septoria passiflorae gây ra

Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên cắt tỉa cành, tạo độ thông thoáng cho cây. Nhanh chóng loại bỏ các phần có dấu hiệu bệnh, tập trung tiêu hủy sạch sẽ

Sử dụng các thuốc hóa học có chứa hoạt chất Azoxystrobin + Difenoconazole (Amistar top 325SC); Mancozeb + Metalaxyl – M (Ridomil Gold 68WP); Carbendazim (Carbenvil 50SC); Cuprous Oxide (Norshield 86.2WP) phun đều 2 mặt lá, phần thân và quả. Phun định kỳ hoặc phun khi cây bắt đầu có dấu hiệu bệnh

Bệnh thối hạch do nấm Sclerotinia sclerotiorum

Bệnh thối hạch do nấm Sclerotinia sclerotiorum

Biểu hiện bệnh: Xuất hiện các hạch nấm màu đen, dễ bong tróc, khô cứng dẫn đến gãy các chồi non phía trên. Khi tấn công quả, bệnh thường xuất hiện các vết màu nâu nhạt, sau đó lan rộng bao phủ toàn bộ quả. Một thời gian sau xuất hiện các đốm đen, quả sẽ bị rụng hàng loạt.

Bệnh thường lây lan từ mùa này sang mùa khác, do bào tử nấm còn tồn dư trên các bộ phận của cây. Khi gặp điều kiện thuận lợi sẽ phát triển trở lại (thường trong mùa mưa, khi độ ẩm cao, nhiệt độ 15-20 độ C)

Tác nhân gây bệnh: Do nấm Sclerotinia sclerotiorum gây ra

Biện pháp phòng trừ: Vệ sinh vườn tược, cắt bỏ các phần cây nghi nhiễm bệnh, tập trung tiêu hủy sạch sẽ.

Vặt bỏ các lá già, lá gốc, tạo độ thông thoáng cần thiết, tránh để nước đọng ở gốc.

Trồng cây với mật độ hợp lý, tránh trồng dày, nên cân đối và ưu tiên sử dụng các loại phân hữu cơ nguồn gốc sinh học.

Sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất Iprodione, hoặc chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma spp.

Bệnh héo rũ do nấm

Biểu hiện bệnh: Phần gốc sát mặt đất, cổ rễ xuất hiện các vết bệnh màu nâu đen vòng quanh thân, cản trở nước và các chất dinh dưỡng truyền từ rễ lên nuôi cây, cây ban đầu sẽ vàng lá, còi cọc, rồi chuyển dần sang héo rũ và chết.

Tác nhân gây bệnh: Do sự phối hợp của các chủng nấm Fusarium avenaceum, Giberella, baccata, Gibberella saubinetii

Biện pháp phòng trừ: Bệnh thường xuất hiện vào mùa mưa, khi độ ẩm tăng cao. Do đó trong quá trình canh tác cần phải tạo độ thông thoáng cho cây, đặc biệt ở phần gốc. Nên vặt bỏ các lá gốc. Làm cỏ sạch sẽ quanh gốc và vun gốc trong mùa mưa, tránh nước đọng ở phần gốc cây. Ngoài ra hạn chế các tổn thương do nông cụ gây ra.

Bệnh tốt nhất nên phòng, chữa trị rất tốn kém và khó dứt điểm. Có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng trichoderma pha loãng tưới vào gốc, dùng dụng cụ sục hoặc trộn vào đất, kết hợp với các đợt bón phân hữu cơ, phân chuồng

Bệnh thối rễ do nấm

Triệu chứng bệnh: Bệnh do nhiều loại nấm tấn công đồng thời, ban đầu cây sẽ bị héo lá, lá chuyển dần sang màu xanh nhạt, rồi màu đồng, sau đó khô vào rụng, chồi non thường bị héo rũ, sau đó chuyển qua thối ngọn. Trên quả xuất hiện những vết bệnh lớn, màu xám. Lá và quả xanh của cây rất dễ rụng

Phần rễ và gốc rễ chuyển sang đậm màu, sau thành màu đen, cản trở việc truyền nước và chất dinh dưỡng.

Bệnh xuất hiện quanh năm, nhưng có dấu hiệu rõ rệt nhất vào những tháng mùa mưa, khi độ ẩm tăng cao tạo điêu kiện thuận lợi cho nấm bùng phát.

Tác nhân gây bệnh: do các chủng nấm Phytophthora cinnamomi, Phytophthora megasperma, Fusarium kết hợp với nhau

Biện pháp phòng trừ: Điều chỉnh chế độ tưới nước cho phù hợp, không nên để phần gốc quá ẩm ướt, đọng nước

Sử dụng các chế phẩm sinh học chứa nấm đối kháng Trichoderma phun, tưới, sục hoặc trộn với phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng lúc bón cho cây

Phun xịt bằng các loại thuốc trị nấm gốc đồng, thuốc có hoạt chất Fosetum aluminium

BỆNH HẠI DO TUYẾN TRÙNG

Tuyến trùng rất nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Dưới kính hiển vi tuyến trùng có bề ngoài giống như con giun. Chúng thường tập trung làm tổ ở phần rễ, nhằm mục đích hút chất dinh dưỡng, tạo nên các nốt sần đặc trưng trên rễ, gây tắc nghẽn hệ thống mạch dẫn, khiến cây còi cọc, thiếu chất, đôi khi héo rũ.

Ngoài ra tổ tuyến trùng còn là môi trường lý tưởng để các loại nấm tấn công, gây ra các bệnh như đã liệt kê ở phần trên.

Biện pháp phòng trừ: Đất mới khai phá không nên trồng chanh dây ngay, cần cày xới phơi đất ít nhất 3 tháng để loại bỏ tuyến trùng
Đất trồng cà phê, trồng tiêu chuyến qua trồng chanh dây, cần trồng các loại cây màu ít nhất 1-2 vụ trước khi canh tác cây chanh dây.

Hố trồng chanh dây cần được xử lý bằng chế phẩm sinh học Bio-Gavi hoặc sản phẩm tương tự 1 tuần trước khi trồng

Lựa chọn giống kháng bệnh, được xử lý mầm bệnh đầy đủ.
Trong quá trình canh tác, cần xử lý định kỳ bằng Carbosunfan, Ethoprophos theo liều lượng

Trên đây là các bệnh thường gặp của chanh dây thường gặp nhất. Bài viết được biên tập dựa vào nội dung từ website hoinongdan.org.vn. Xin cảm ơn tác giả đã chia sẻ

Xem thêm:

MUA NGAY